Các nhà khoa học đến từ Tổ chức Khoa học ứng dụng Hà Lan phát hiện ra hợp chất lignin bên trong thực vật, hợp chất này sẽ giúp “xanh hóa” việc xây dựng đường sá.
Các nhà khoa học đến từ Tổ chức Khoa học ứng dụng Hà Lan (TNO) phát hiện ra hợp chất lignin bên trong thực vật có thể thay thế nhựa đường- sản phẩm phụ trong quá trình sản xuất dầu thô, được dùng để sản xuất nhựa đường. Qua đó, hợp chất này sẽ giúp “xanh hóa” việc xây dựng đường sá.
Ông Ted Slaghek cùng các đồng nghiệp thực hiện dự án này cho biết, chất lignin có nhiệm vụ giữ nước và có thể liên kết với chất khác trở thành “bê tông cốt thép” của vách tế bào thực vật. Do đó, về mặt hóa học, nó gần giống với nhựa đường, có thể dùng lignin trộn với bitumen với tỷ lệ 50-50 để tạo thành hợp chất sử dụng trong sản xuất nhựa đường, thay thế được một phần nhựa đường.
Không chỉ vậy, nếu thêm chất lignin vào hỗn hợp với nhựa đường sẽ giúp nâng cao chất lượng hỗn hợp, làm tăng độ cứng trong thời tiết ấm hay mềm dẻo hơn trong thời tiết lạnh. Nhờ thế, khi đưa vào sản xuất nhựa đường, sẽ giúp chống lại sự khắc nghiệt của khí hậu.
Các nhà khoa học của TNO khẳng định, thế giới rất dồi dào lượng lignin (khoảng 50 triệu tấn mỗi năm) bởi thực tế lignin được thải ra trong quá trình sản xuất gỗ thành giấy.