BẢO TRÌ ĐƯỜNG BỘ

Chuyên trang giới thiệu về khoa học công nghệ trong lĩnh vực bảo trì đường bộ

Dùng vỏ hộp sữa làm nhựa thảm mặt đường, chuyện có ở Nam Phi

Nếu con người không có giải pháp tiêu hủy và hạn chế sử dụng rác thải nhựa, viễn cảnh người sống trên đống rác chắc chắn không còn xa.

Đó chính là lý do rất nhiều quốc gia vùng lãnh thổ trên thế giới đang gấp rút thực hiện các chính sách sử dụng rác thải nhựa một cách hợp lý và Nam Phi là một ví dụ.

Công ty của Nam Phi đang thu thập chai nhựa từ bãi rác để làm đường.

Biến vỏ hộp sữa thành vật liệu xây dựng

Theo Liên đoàn Đường bộ Nam Phi, vấn nạn ổ gà trên đường bộ kém chất lượng tiêu tốn 3,4 tỷ USD/năm của người sử dụng đường bộ, bao gồm chi phí sửa chữa phương tiện và chi phí y tế do tai nạn. Trong khi đó, rác thải nhựa lại ngày ngày chất đống.

Tận dụng điều này, hồi tháng 8 vừa rồi, Công ty Xây dựng Shisalanga đã trở thành đơn vị đầu tiên tại Nam Phi sử dụng rác thải nhựa để làm đường trên một đoạn đường tại tỉnh KwaZulu-Natal (KZN), bờ Đông nước này.

Hiện tại, họ đã sửa lại hơn 400m đường tại Cliffdale ở ngoại ô Durban, sử dụng nhựa đường làm từ 40.000 vỏ chai sữa 2 lít tái chế.

Shisalanga sử dụng nhựa polyethylene đậm đặc - một loại nhựa dày thường được dùng làm vỏ hộp sữa để làm nhựa đường. Để thực hiện, một nhà máy tái chế địa phương đã nung chảy vỏ hộp với nhiệt cao tới 190 độ C sau đó trộn thêm với một số chất phụ gia khác.

Số nhựa này thay thế 6% chất kết dính bitumen của nhựa đường nên mỗi tấn nhựa chứa khoảng 118 - 128 chai sữa.

Shisalanga cho biết, cách thức xử lý này sẽ tạo ra ít khí thải độc hại hơn phương thức xử lý truyền thống. Hơn nữa hợp chất này bền, chống nước cao hơn nhựa truyền thống, nhiệt độ chịu đựng lên tới 70OC và thấp hơn -22OC.

Chi phí tái chế và làm đường không rẻ hơn phương thức dùng nhựa đường thông thường nhưng Công ty Shisalanga khẳng định, sẽ tiết kiệm chi phí nhờ sức bền của đường lâu hơn so với thời hạn trung bình hiện nay là 20 năm. “Kết quả thật tuyệt vời”, Tổng giám đốc Shisalanga, ông Deane Koekemoer khẳng định.

Ông Kit Ducasse, kỹ thuật viên kiểm soát chất lượng thuộc Sở Giao thông tỉnh KZN rất “ấn tượng” với con đường này và cho biết, cơ quan này đang dự định sẽ đưa công nghệ này áp dụng lên đường cao tốc sau khi dự án đầu tiên thành công. “Cần có thêm thời gian nhưng những gì tôi chứng kiến hiện tại rất tuyệt vời”, ông Kit Ducasse cho biết.

Công ty Shisalanga đã trình lên Cơ quan Quốc lộ Nam Phi (SANRAL) với kế hoạch rải 200 tấn nhựa đường bảo trì đường cao tốc N3 quan trọng của quốc gia, nối từ Durban đến Johannesburg và đang chờ dự án được cấp phép.

Nếu công ty đáp ứng yêu cầu từ SANRAL, kỹ thuật này sẽ được mở rộng ra khắp Nam Phi. Vì tiêu chuẩn của SANRAL rất cao nên Shisalanga hy vọng sau đó có thể đáp ứng các quy định nghiêm ngặt khác trên toàn thế giới.

Thách thức vẫn còn ở phía trước

Không giống như ở châu Âu nơi rác thải có thể tái chế được thu thập trực tiếp từ nhà dân, tại Nam Phi, 70% nguyên liệu này được thu lượm từ các khu rác thải. Công ty Shisalanga khẳng định, sáng kiến biến chai nhựa thành đường sẽ tạo ra thị trường mới cho nhựa thải, tạo thêm cơ hội việc làm cho đối tác tái chế của công ty này.

Thực chất, Nam Phi không phải là quốc gia đầu tiên dùng rác thải nhựa để làm đường. Đã có nhiều quốc gia như Ấn Độ thực hiện ý tưởng này. Quốc gia đông dân thứ hai thế giới bắt đầu dùng nhựa làm đường từ 17 năm trước.

Quy trình tái chế nhựa do Giáo sư hoá học Rajagopalan Vasudevan, tại Đại học Kỹ thuật Thiagarajar phát triển tại TP Madurai, bang Tamil Nadu. Công nghệ này phân tán nhựa trên đá nóng để tạo thành một lớp lát mỏng sau đó trộn vào chất bitumen, tạo thành hợp chất kết dính vững chắc.

Tính đến thời điểm hiện tại, công nghệ nhựa đường này đã được sử dụng xây dựng 100.000km đường bộ trên khắp Ấn Độ. Tháng 11/2015, Bộ Giao thông Đường bộ Ấn Độ đã yêu cầu bắt buộc xây dựng đường bộ sử dụng nhựa tái chế tại hầu hết khu vực đô thị. Tại châu Âu, Nam Mỹ và Australia, ý tưởng dùng nhựa làm đường cũng đang được thử nghiệm.

Tuy nhiên, các nước này đều có nỗi lo chung về khí carcinogenic phát thải từ quá trình sản xuất cũng như các hạt bụi siêu nhỏ được tạo ra trong ma-sát của xe cộ di chuyển trên đường.

Ông Georges Mturi, nhà khoa học cấp cao tại CSIR cho biết: “Những vấn đề này cần phải được loại bỏ nếu không những phương pháp tái chế này tưởng chừng bảo vệ môi trường lại sản sinh ra nỗi lo về sức khỏe”.

Tuy nhiên, nhà quản lý kỹ thuật của Shisalanga, ông Wynand Nortje cho biết, phương thức nung chảy nhựa bằng phụ gia bitumen sẽ giảm tối thiểu nguy cơ vi nhựa, đồng thời cho biết thêm rằng, những nghiên cứu và cải tiến mới vẫn đang được tiến hành để có thể cho ra mắt những vật liệu tối ưu khi tái chế từ nhựa rác thải.

Theo http://mt.gov.vn/khcn