Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tại cuộc họp với các cơ quan, đơn vị liên quan về phương án sửa chữa, xử lý mặt cầu Thăng Long - Hà Nội, sáng 06/09/2019.
Cùng dự cuộc họp có Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cùng lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan của Bộ GTVT, Hội Khoa học - Kỹ thuật cầu đường Việt Nam, Trường Đại học GTVT.
Cuộc họp về phương án sửa chữa, xử lý mặt cầu Thăng Long - Hà Nội, sáng nay (6/9).
Ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, để thực hiện sửa chữa mặt cầu Thăng Long, Tổng cục đã liên hệ với chuyên gia Nga. Phía Nga đã trả lời có thể hợp tác nhưng đề nghị chuyển tài liệu cho họ nghiên cứu trước, đồng thời phía Nga sẽ tổ chức đoàn chuyên gia khảo sát tình hình thực tế.
“Hiện Tổng cục Đường bộ VN đã chuyển một số tài liệu do Tư vấn KEI (được JICA lựa chọn) cho phía Nga để họ nghiên cứu và có giải pháp sơ bộ. Trong khi chờ kết quả nghiên cứu của chuyên gia Nga, Cục Quản lý đường bộ I tiếp tục duy tu, bảo dưỡng thường xuyên mặt cầu” - ông Nguyễn Văn Huyện cho biết.
Về phương án sửa chữa mặt cầu Thăng Long, ông Nguyễn Văn Huyện đề xuất Bộ GTVT, trong thời gian tới Tổng cục sẽ trao đổi, làm việc với phía Nga, khi đoàn công tác của Nga sang Việt Nam làm việc (từ ngày 17-21/9/2019), sau đó Tổng cục sẽ có hướng hợp tác, làm việc cụ thể với phía Nga.
Ngoài phương án trên, ông Nguyễn Văn Huyện cho biết, sẽ tiếp tục nghiên cứu của Tư vấn KEI trước đây. Thời gian qua Tổng cục Đường bộ VN cũng đã trao đổi, làm việc với các chuyên gia trong nước, trong quá trình trao đổi, chuyên gia đã đề xuất các giải pháp, Tổng cục đã tiếp thu, nghiên cứu.
Theo ông Hoàng Hà - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, bản mặt cầu Thăng Long là dạng bản bằng kết cấu thép, tính chất mỏng, độ rung động và biến dạng rất lớn, cần phải có giải pháp sửa chữa, tăng cường xử lý vết nứt, sử dụng chất dính đặc biệt. Bởi cầu Thăng Long là công trình lớn, đã trên 30 năm, theo nguyên tắc cầu lớn như vậy phải có dự án tổng thể để đại tu, chứ không chỉ sửa chữa riêng phần mặt cầu.
Theo TS Tô Giang Lam - Trường Đại học GTVT, với các hư hỏng hiện tại, nếu không có giải pháp tổng thể thì hàng năm việc duy tu bảo dưỡng cầu Thăng Long rất khó khăn; mặt khác nếu sửa chữa khi hư hỏng nhưng không lựa chọn giải pháp kỹ thuật phù hợp sẽ khó đảm bảo chất lượng, tuổi thọ và độ bền; đồng thời không bảo vệ được phần kết cấu bản mặt cầu dưới tác dụng của xâm thực và giảm ảnh hưởng của tải trọng lặp.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, hiện nay, các cầu lớn của Việt Nam chưa có hệ thống theo dõi, chưa có định mức đơn giá cho việc phân bổ, sửa chữa thường xuyên cũng như định kỳ, nên rất rủi ro, bị động trong công tác xử lý sự cố.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đề nghị phải nghiên cứu đánh giá tổng thể để đưa ra phương án sửa chữa, xử lý mặt cầu Thăng Long. Sau khi có đánh giá, đề xuất sẽ đồng ý cho nghiên cứu, lập dự án theo hướng áp dụng công nghệ - chuyển giao công nghệ.
Mặt cầu Thăng Long có nhiều hư hỏng sau 30 năm khai thác
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, cầu Thăng Long là một trong những biểu tượng của tình hữu nghị Việt - Xô, cầu có vai trò đặc biệt quan trọng không chỉ TP Hà Nội mà đối với cả nước. Tuy nhiên, do thời gian xây dựng cầu đã lâu, mặt cầu đang bị xuống cấp. Trong khoảng 5 - 6 năm trở lại đây, Bộ GTVT cùng một số cơ quan, đơn vị liên quan đã tích cực phối hợp nghiên cứu, đưa ra các giải pháp sửa chữa, nâng cấp từ nhỏ đến đại tu, nhưng đến nay việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long vẫn chưa đạt yêu cầu, kỳ vọng của xã hội.
Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đề xuất, phương án sửa chữa, xử lý mặt cầu Thăng Long của các cơ quan, đơn vị, của các chuyên gia, Bộ trưởng đề nghị các cơ quan, đơn vị, các chuyên gia tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT để đưa ra giải pháp căn cơ, triệt để, bền vững, ít nhất phải 10 năm trở lên, đảm bảo giao thông êm thuận và an toàn cho người dân.
Để thực hiện yêu cầu trên, Bộ trưởng lưu ý các cơ quan tham mưu của Bộ lựa chọn tổ chức thi công phải có uy tín nghề nghiệp, có kinh nghiệm về lĩnh vực cầu thép, đã có công trình, dự án, sản phẩm chứng minh tính hiệu quả.
Bộ trưởng giao Vụ Tài chính và các đơn vị liên quan nghiên cứu xác định tài sản cầu Thăng Long để sắp xếp, quản lý cho phù hợp; Tổng cục Đường bộ VN cùng Cục Đường sắt VN, Tổng công ty Đường sắt VN phối hợp tham mưu Bộ về giải pháp kiểm định cầu Thăng Long; Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục ĐBVN tham mưu Bộ tăng cường công tác hợp tác quốc tế, mời các chuyên gia nước ngoài.
Về chủ trương lập Dự án sửa chữa tổng thể cầu Thăng Long và thành lập Nhóm công tác của Bộ GTVT, Bộ trưởng đồng ý chủ trương lập Dự án sửa chữa tổng thể cầu Thăng Long và thành lập Nhóm công tác của Bộ GTVT thành phần gồm một đồng chí Thứ trưởng phụ trách, Vụ trưởng các Vụ Khoa học công nghệ, Hợp tác quốc tế, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN, Cục trưởng Cục Đường sắt VN và một số chuyên gia để chuẩn bị các nội dung trao đổi, làm việc với đối tác nước ngoài (Đoàn chuyên gia của Nga).
Về công tác duy tu, sửa chữa mặt cầu Thăng Long trong thời gian tới, Bộ trưởng giao Tổng cục ĐBVN, Vụ Khoa học công nghệ, Cục Quản lý đường bộ I nghiên cứu đề xuất phương án sửa chữa mặt cầu của một số cơ quan, đơn vị có nhiều ưu điểm (Trường Đại học GTVT) để phối hợp và yêu cầu đơn vị đề xuất nghiên cứu phương án sửa chữa, xử lý nứt dọc.
Bộ trưởng cũng giao Tổng cục ĐBVN khẩn trương đề xuất giải pháp tăng cường công tác quản lý, theo dõi quan trắc các cầu lớn trong cả nước, để có trung tâm thường xuyên theo dõi, đánh giá quan trắc, xử lý, cung cấp thông số cần thiết nhất trước khi tổ chức khảo sát, duy tu sửa chữa cầu; đồng thời tăng cường công tác duy tu, sửa chữa cầu, đường, có biện pháp, phương án sửa chữa, xử lý kịp thời.
Xuân Nguyên - Theo mt.gov.vn