Các loại hư hỏng mặt đường bê tông nhựa thường được phân thành 4 nhóm: nứt, hư hỏng bề mặt, hư hỏng lớp mặt và biến dạng lớp mặt.
5.2. Nứt - Nguyên nhân và giải pháp sửa chữa
5.2.1. Theo biểu mẫu D.2 Phụ lục D TCCS 07 : 2013/TCĐBVN có phân biệt 5 loại nứtgồm: nứt rạn mai rùa, nứt lưới lớn, nứt đơn dọc và ngang, nứt phản ánh và nứt parabol. Mỗi loại lại phân thành 3 mức: nhẹ, vừa và nặng.
5.2.2. Tùy loại nứt, mức độ nặng nhẹ, bề rộng và chiều dài nứt có thể phán đoán nguyên nhân gây nứt:
a) Các chỗ rạn nứt nhỏ có thể do khi thi công mặt đường cục bộ tại đó bị thiếu nhựa, thừa bột đá hoặc lu lèn quá mức trong khi các lớp dưới yếu, lu lèn lúc hỗn hợp bê tông nhựa còn quá nóng.
b) Các chỗ rạn nứt mai rùa (còn gọi là nứt da cá sấu) thông thường do các lớp nền móng không đủ cường độ, nền bị cao su, bão hòa nước hoặc cả kết cấu nền mặt đường không đủ cường độ chịu tải trọng xe. Nhựa bị lão hóa cũng là một nguyên nhân gây ra loại nứt này.
c) Các đường nứt dọc thường xuất hiện ở chỗ tiếp giáp giữa các vệt rải khi thi công bê tông nhựa (chỗ tiếp giáp bị bẩn, bị ẩm khi rải hoặc chỗ tiếp giáp với lề gia cố).
Các đường nứt dọc gần mép phần xe chạy còn có thể xuất hiện các nhánh nứt ngang lan ra phía lề.
d) Nứt phản ánh do nứt lan truyền từ lớp móng gia cố xi măng khi bề dày tầng mặt bê tông nhựa phía trên không đủ. Nứt loại này thường là các vết nứt ngang phần xe chạy và với khoảng cách nhất định giữa các vết nứt.
e) Nứt hình parabol thường do lớp bê tông nhựa mặt đường thiếu dính bám với lớp dưới nó.
5.2.3. Giải pháp sửa chữa các loại vết nứt nêu trên
Trước hết tùy thuộc vào cường độ kết cấu nền mặt đường cũng như mức độ đính bám giữa lớp mặt bê tông nhựa ở trên với lớp dưới nó, tiếp đó cũng tùy thuộc quy mô phạm vi mặt đường bị nứt.
a) Nếu kết cấu nền mặt đường vẫn còn đủ đáp ứng yêu cầu giao thông thì có thể sửa chữa các dạng nứt bằng cách trám, vá vết nứt (theo TCCS 18 : 2016/TCĐBVN) trong công tác bảo dưỡng thường xuyên. Nếu phạm vi mặt đường bị rạn nứt nhỏ, nứt rạn mai rùa nhẹ và vừa (do nhựa bị lão hóa) lan rộng thì có thể áp dụng giải pháp rải lớp phủ mặt trên cả đoạn đường bị nứt như khi sửa chữa vừa (xem mục 6).
b) Nếu nứt do kết cấu không đủ cường độ, nền, móng bị cao su, bị bão hòa nước thì cần đào hết phần nền, móng yếu, xử lý lại nền, móng rồi mới làm lại phần mặt đường bê tông nhựa bị nứt. Nếu nứt hình, parabol do dính bám kém thì phải cắt bỏ phần mặt đường bê tông nhựa bị nứt, làm lại lớp dính bám rồi mới làm lại phần mặt đường bê tông nhựa bị nứt (như vá ổ gà trong bảo dưỡng thường xuyên).
Nếu nứt do kết cấu không đủ thì phải áp dụng các giải pháp sửa chữa lớn (gia cố lại nền, móng rồi làm lại lớp (tầng) mặt bê tông nhựa trên cùng.
5.3. Hư hỏng bề mặt bê tông nhựa - Nguyên nhân và giải pháp sửa chữa
5.3.1. Loại hư hỏng này gồm: chảy nhựa mặt đường; đẩy trồi nhựa, dồn nhựa thành vệt dọc hoặc vệt ngang đường; bong tróc và bong bật mặt đường. Các loại hình hư hỏng này được miêu tả và phân thành 3 mức độ nhẹ, vừa và nặng như ở mục 9, 13, 14 Biểu mẫu D.2, Phụ lục D TCCS 07 : 2013/TCĐBVN. Các dạng hư hỏng này nếu không được sửa chữa kịp thời thì sẽ phát triển thành ổ gà.
5.3.2. Ngoài hiện tượng mặt đường bị mài mòn là tất yếu, 3 loại hư hỏng bề mặt nói trên đều là do thừa, thiếu nhựa hoặc nhựa phân bố không đều trong lớp bê tông nhựa: Chảy nhựa, đẩy trồi nhựa, dồn nhựa ở các chỗ thừa nhựa và bong tróc, bong bật ở những chỗ thiếu nhựa.
Chảy nhựa thường xảy ra ở chỗ bê tông nhựa có độ rỗng dư nhỏ không chứa được lượng nhựa chảy về mùa nóng hoặc chỗ bê tông nhựa có cốt liệu hạt chất lượng kém, khi xe chạy bị vỡ vụn và hao hụt dần. Đẩy trồi nhựa, dồn nhựa thường xảy ra ở những chỗ phân bố nhựa trong bê tông nhựa không đều, về mùa nóng xe tải nặng chạy sẽ đẩy dồn chỗ nhiều nhựa thành một vệt dọc theo chiều xe chạy.
Bong tróc bề mặt bê tông nhựa lại thường do lượng nhựa hoặc cũng do cốt liệu bê tông nhựa chất lượng xấu (kém dính bám).
5.3.3. Giải pháp sửa chữa
Trường hợp sửa chữa nhỏ trong bảo dưỡng thường xuyên có thể áp dụng các giải pháp tương ứng đề cập ở 5.4.3 TCCS 07 : 2013/TCĐBVN. Đẩy trồi nhựa, dồn nhựa thành vệt dọc nên áp dụng giải pháp như với sửa chữa lún vệt bánh xe dạng đẩy trồi (xem 8.3).
Bong tróc, mài mòn cả đoạn dài cần áp dụng giải pháp các lớp phủ mặt (xem mục 6).
5.4. Hư hỏng lớp mặt bê tông nhựa - Nguyên nhân và giải pháp sửa chữa.
5.4.1. Loại hư hỏng này gồm: ổ gà, nứt vỡ mép mặt đường phần xe chạy, được miêu tả và phân thành 3 mức nhẹ, vừa và nặng như ở mục 11, 15 Biểu mẫu D.2, Phụ lục D TCCS 07 : 2013/TCĐBVN, trong đó mức độ hư hỏng của ổ gà được đánh giá tùy thuộc đường kính trung bình và chiều sâu ổ gà (có trường hợp ổ gà sâu đến tận lớp móng).
5.4.2. Nguyên nhân: ổ gà và nứt vỡ mép mặt đường thường xảy ra do nước xâm nhập qua các dạng hư hỏng bề mặt (bong tróc, bong bật, thiếu nhựa ...) và các chỗ bị nứt vào lớp bê tông nhựa và thấm xuống cả các lớp móng, dần dần phá hoại cấu trúc vật liệu của lớp bê tông nhựa và lớp móng.
5.4.3. Ổ gà và nứt vỡ mép mặt đường bê tông nhựa cần được sửa chữa kịp thời, nếu không chúng sẽ nhanh chóng mở rộng, ảnh hưởng lớn đến chất lượng khai thác: ổ gà gây xóc, nứt vỡ mép mặt đường làm thu hẹp phần xe chạy.
Sửa chữa 2 loại hư hỏng này được thực hiện theo chỉ dẫn ở mục 5.4.3.3 TCCS 07 : 2013/TCĐBVN cũng có thể sử dụng hỗn hợp Cacboncor Asphalt để sửa (TCCS 09 : 2014/TCĐBVN).
5.5. Biến dạng mặt đường bê tông nhựa - Nguyên nhân và giải pháp sửa chữa
5.5.1. Loại hư hỏng này gồm: lún lõm cục bộ, lồi lõm theo hướng xe chạy (bao gồm cả lún lõm đầu cầu, cống); chênh cao giữa mặt đường và lề đường, lượn sóng; lún vệt bánh xe và chênh lệch cao độ ở chỗ vệt cắt vá cũ. Biểu hiện với 3 mức độ nhẹ, vừa và nặng của 6 loại hình biến dạng mặt đường này được thể hiện ở mục 6, 7, 8, 10, 12, 16 Biểu mẫu D.2, Phụ lục D TCCS 07 : 2013/TCĐBVN.
Các dạng hư hỏng thuộc nhóm này ảnh hưởng rất xấu đến độ bằng phẳng, làm giảm tốc độ khai thác và giảm năng lực thông hành của đường đang khai thác.
5.5.2. Nguyên nhân chung của loại hư hỏng này là do sự biến dạng không đều của các bộ phận kết cấu công trình liền kề (lún đầu cầu), do tích lũy biến dạng dư của các lớp kết cấu nền mặt đường (lún vệt bánh xe dạng kết cấu), do biến dạng khi lớp mặt bê tông nhựa chịu ứng suất cắt trượt (lún vệt bánh xe dạng đẩy trồi, lượn sóng), do cả lực thẳng đứng và lực ngang khi xe chạy gây ra. Riêng nguyên nhân hình thành 2 loại lún vệt bánh xe đã được phân tích ở 3.9.1 và 3.9.2. Cá biệt loại chênh lệch cao độ ở chỗ vệt cắt vá là do thực hiện việc vá sửa mặt đường không tốt gây ra.
5.5.3. Giải pháp sửa chữa
a) Lún lõm cục bộ mặt đường được sửa chữa như vá ổ gà trong bảo dưỡng thường xuyên đường bộ được chỉ dẫn ở 5.4.3.6 TCCS 07 : 2013/TCĐBVN.
b) Lồi lõm theo hướng xe chạy và lún đầu cầu, cống được sửa chữa theo chỉ dẫn ở mục 5.1, 5.2, 5.4 của Quyết định số 1897/QĐ-BGTVT ngày 20/6/2016.
c) Lún vệt bánh xe tùy trường hợp được sửa chữa theo chỉ dẫn ở mục 6.4, 8.2, và 8.3.
d) Mặt đường lượn sóng: Cách sửa chữa xem ở mục 7.
5.6. Tổng hợp nội dung sửa chữa các loại hư hỏng mặt đường bê tông nhựa tương ứng với các loại công việc bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa vừa, sửa chữa lớn và sửa chữa đột xuất được trình bày tóm tắt ở Bảng 1.
Bảng 1 - Tổng hợp nội dung công việc sửa chữa mặt đường bê tông nhựa
a. Loại công việc sửa chữa |
||||||
Bảo dưỡng thường xuyên |
Sửa chữa định kỳ |
Sửa chữa đột xuất |
||||
Sửa chữa vừa |
Sửa chữa lớn |
|||||
1. Chống chảy nhựa mặt đường. 2. Vá ổ gà và các chỗ vỡ mép mặt đường. 3. Sửa chữa các vết nứt dọc, nứt ngang và các dạng nứt khác nhưng phạm vi phân bố không lớn. 4. Sửa chữa các chỗ lún lõm cục bộ và lún trồi cục bộ. 5. Sửa chữa chỗ mặt đường bị bong tróc, bong bật và mài mòn cục bộ. 6. Sửa chữa chỗ mặt đường bị sình lún, nứt dạng khối, nứt hình parabol. 7. Sửa chữa các chỗ bị đẩy trồi nhựa, dồn nhựa quy mô nhỏ. |
1. Làm lớp phủ mặt tạo phẳng, tạo nhám, hạn chế nước thấm qua các chỗ bị nứt, bị hư hỏng bề mặt. 2. Sửa chữa các đoạn mặt đường bị hư hỏng bề mặt và biến dạng mặt đường mức độ nhẹ và vừa. 3. Sửa chữa khắc phục lún vệt bánh xe dạng kết cấu. |
1. Làm lại toàn bộ một lớp hoặc vài lớp mặt bê tông nhựa (để sửa chữa các đoạn bị nứt và hư hỏng lớp mặt mức độ nặng). 2. Làm lại tầng mặt bê tông nhựa và một phần lớp móng trên. 3. Sửa chữa các chỗ nền, móng bị sình lún, cao su hoặc hư hỏng nặng trước khilàm lại tầng mặt bê tông nhựa. |
1. Sửa chữa lún vệt bánh xe dạng đẩytrồi. 2. Sửa chữa mặt đường bị lượn sóng mức độ nặng. |
|||
b. Giải pháp và công nghệ sửa chữa |
||||||
Bảo dưỡng thường xuyên |
Sửa chữa định kỳ |
Sửa chữa đột xuất |
||||
Sửa chữa vừa |
Sửa chữa lớn |
|||||
Áp dụng theo TCCS 07 : 2013/TCĐBVN. - Bù lồi lõm và lún đầu cầu, cống theo Quyết định số 1897/QĐ-BGTVT ngày 20/6/2016. - Trám vá vết nứt theo TCCS 18 : 2016/TCĐBVN. |
Áp dụng theo hướng dẫn ở mục 6 và các quy định hiện hành khác. |
Áp dụng theo hướng dẫn ở mục 9 và các quy định hiện hành khác. |
Áp dụng theo hướng dẫn ở mục 7, mục 8 và các quy định hiện hành khác |
Trích Quyết định Số: 1472/QĐ-BGTVT